Nhiên liệu hóa thạch và nông nghiệp là nguồn phát thải metan chính trên toàn cầu
2025-05-10 19:00:00.0
Theo cập nhật mới nhất từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), lượng khí metan phát thải hàng năm trên toàn cầu vẫn duy trì ở mức cao, bất chấp sự tồn tại của các công nghệ giảm phát thải hiệu quả – đặc biệt trong ngành dầu khí.
Metan - "kẻ giữ nhiệt" nguy hiểm hơn cả CO2
Metan chỉ tồn tại trong khí quyển khoảng một thập kỷ, nhưng khả năng giữ nhiệt của nó cao gấp 80 lần so với CO2. Điều này khiến việc cắt giảm khí metan trở thành một biện pháp cấp thiết trong nỗ lực kiềm chế biến đổi khí hậu.
Ông Tomás Bredariol - chuyên gia phân tích chính sách năng lượng và môi trường của IEA - nhấn mạnh: “Nếu nhìn vào xu hướng hiện nay và nguồn cung nhiên liệu hóa thạch, hành động quyết liệt để cắt giảm khí methane có thể giúp làm chậm mức tăng nhiệt độ toàn cầu khoảng 0,1 độ C vào năm 2050”.
Dù con số này thoạt nghe có vẻ không đáng kể, nhưng nó tương đương với việc xóa bỏ hoàn toàn lượng khí thải carbon từ các ngành công nghiệp nặng như thép, sắt và hóa chất trên toàn thế giới.
Methane là một trong ba tác nhân chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Ảnh: Bloomberg.
Theo IEA, năng lượng hóa thạch hiện chiếm gần 1/3 lượng metan phát thải do hoạt động của con người. Nông nghiệp và xử lý chất thải cũng là hai nguồn phát thải metan chính.
Trong năm 2024, lượng khí metan phát thải từ khai thác nhiên liệu hóa thạch vẫn ở mức 120 triệu tấn, tương đương mức đỉnh năm 2019. Riêng các giếng dầu và mỏ bị bỏ hoang đã thải ra khoảng 8 triệu tấn. Ngoài ra, sản xuất và sử dụng năng lượng sinh học qua việc đốt nhiên liệu sinh khối truyền thống trong nấu ăn và sưởi ấm tại các nước đang phát triển tạo ra thêm 20 triệu tấn metan.
Đặc biệt, IEA chỉ rõ lượng khí thải metan thực tế trên toàn cầu cao hơn khoảng 80% so với các số liệu được các quốc gia công bố chính thức trong các báo cáo thông qua Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC). Các ước tính của IEA được đưa ra dựa trên những dữ liệu mới nhất từ các nghiên cứu khoa học, các đợt đo đạc và phát hiện bằng vệ tinh.
Báo cáo của IEA sử dụng dữ liệu mới nhất từ các nghiên cứu khoa học, chiến dịch đo đạc và hình ảnh vệ tinh để đưa ra ước tính sát thực hơn.
Canada nổi lên là quốc gia tiên phong trong nỗ lực kiểm soát metan trong ngành dầu khí, với mục tiêu giảm 75% so với năm 2012 vào năm 2030. IEA ước tính rằng, nếu cắt giảm hiệu quả lượng metan bị rò rỉ, thế giới có thể thu hồi khoảng 100 tỷ m3 khối khí đốt mỗi năm, tương đương toàn bộ lượng xuất khẩu khí đốt hàng năm của Canada.
Hiện chỉ khoảng 5% sản lượng dầu khí toàn cầu đạt tiêu chuẩn phát thải gần như bằng 0 (tương đương khoảng 3 triệu thùng dầu mỗi ngày và 130 tỷ m3 khí tự nhiên).
Các sáng kiến như Cam kết Metan toàn cầu (2021) và Hiến chương Giảm phát thải ngành Dầu khí (2023) đã giúp thúc đẩy đà giảm phát thải. Tuy nhiên, rất ít quốc gia và doanh nghiệp có kế hoạch thực hiện rõ ràng và càng ít bên có kết quả cắt giảm thực sự.
Một nguyên nhân chính gây rò rỉ metan là quá trình đốt khí tại các giàn khoan dầu. Thay vì cháy hết, một phần khí bị rò rỉ ra ngoài. Trên thực tế, hiệu suất đốt cháy thấp hơn nhiều so với mức 98% mà người ta thường giả định, khiến lượng phát thải sinh ra tương đương gần 500 triệu tấn CO2 mỗi năm. Riêng nguyên nhân này đã chiếm khoảng 10% lượng metan phát thải từ các hoạt động dầu khí.
nongnghiepmoitruong.vn