Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Thị trấn Hùng Sơn

Chăm sóc sức khỏe sinh sản – kế hoạch hóa gia đình

2024-11-21 11:18:00.0

Bài tuyên truyền về “Chăm sóc sức khỏe sinh sản – kế hoạch hóa gia đình”

 

I. Công tác Chăm sóc sức khỏe sinh sản

Nói đến chăm sóc sức khoẻ sinh sản chúng ta cần hiểu thêm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản là gì? Cụ thể chăm sóc sức khoẻ sinh sản là chăm sóc những gì và đem lại những lợi ích như thế nào? Vấn đề này hiện nay được sự quan tâm của toàn xã hội.

Trước hết chúng ta tìm hiểu Chăm sóc sức khỏe sinh sản là gì ?

– Chăm sóc SKSS là một tập hợp các phương pháp, kỹ thuật và dịch vụ nhằm giúp cho con người có tình trạng SKSS khỏe mạnh thông qua việc phòng chống và giải quyết những vấn đề liên quan đến SKSS.

– Sức khỏe sinh sản là một tình trạng thoải mái hoàn toàn về thể chất tinh thần và xã hội chứ không phải là một tình trạng không có bệnh tật hay tàn tật  còn là sự an toàn về sức khoẻ tình dục nữa”.

Sức khoẻ sinh sản – kế hoạch hoá gia đình là một trong những nội dung của dân số và phát triển, là vấn đề quan tâm hàng đầu của thế kỷ 20 trên toàn thế giới.

Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ phải biết chăm sóc sức khỏe sinh sản và lợi ích của việc chăm sóc sức khỏe sinh sản?

II. Lợi ích của việc chăm sóc sức khoẻ sinh sản:

Như chúng ta đã biết sức khoẻ sinh sản là vốn quý nhất của con người, vì thế việc quan tâm chăm sóc sức khoẻ sinh sản là vấn đề không thể thiếu được trong đời sống xã hội hiện nay, mang lại lợi ích trước mắt cũng như lâu dài. Vì thế chúng ta cần quan tâm những vấn đề cụ thể như sau:

1/ Thực hiện tốt làm mẹ an toàn, chăm sóc sàng lọc trước sinh, khám thai định kỳ, mục đích theo dõi sức khoẻ bà mẹ và quà trình phát triển thai nhi, phát hiện dị tật sơ sinh, bệnh tật mẹ và xử trí kịp thời những tai biến có thể xảy ra trong quá trình mang thai và sau sinh. Trong thời gian này thai phụ nên được nghỉ ngơi, tránh lao động nặng và làm việc quá sức, vệ sinh thai nghén, ăn uống dinh dưỡng tránh ăn những thức ăn có chất kích thích như cà phê, rượu, bia, các chất cay, và thức ăn có nhiều muối. Làm tốt vấn đề này chúng ta yên tâm là có những đứa con thông minh khoẻ mạnh và phát triển.

2/ Thực hiện tốt kế hoạch hoá gia đình, hiện nay các biện pháp tránh thai đều mang lại hiệu quả tránh thai cao, và có sẵn nhiều phương tiện tránh thai tại  các cơ sở y tế như: Vòng tránh thai, thuốc tiêm, thuốc uống, thuốc cấy, bao cao su và đình sản và mỗi gia đình chỉ nên có từ 1-2 con.

3/ Khám phụ khoa định kỳ 3, 6 tháng một lần, phát hiện sớm viêm nhiễm để điều trị kịp thời, soi cổ tử cung, xét nghiệm tế bào âm đạo, tầm soát ung thư cổ tử cung nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

       Thực hiện tốt những vấn đề trên nhằm bảo đảm sức khoẻ và chất lượng cuộc sống cho cả mẹ và con, giảm tai biến sản khoa, giảm tử vong sơ sinh và tử vong mẹ. Đồng thời để có thời gian chăm sóc nuôi dạy chúng nên người, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng xã hội phồn vinh, gia đình hạnh phúc.

III. Công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước, là một trong những vấn đề kinh tế – xã hội hàng đầu, là yếu tố nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội. Giữa dân số và phát triển kinh tế – xã hội luôn có mối quan hệ biện chứng, hỗ trợ và thúc đẩy lẫn nhau. Muốn tăng trưởng kinh tế thì yếu tố đầu tiên phải là con người và phải là con người có sức khỏe và trí tuệ.

Nhiệm vụ trọng tâm công tác Dân số – Kế hoạch hóa gia đình trong giai đoạn hiện nay là tiếp tục thực hiện tốt nghị quyết 21/NQ/TW về công tác Dân số trong tình hình mới. Hệ thống quan điểm, mục tiêu và giải pháp của Nghị quyết này là tư duy mới về nội dung chính sách dân số, nhận thức cao hơn về mối quan hệ chặt chẽ giữa dân số và phát triển; vì vậy, Nghị quyết yêu cầu tính đến mối quan hệ này trong mọi kế hoạch phát triển.

Để đạt được mục tiêu Nghị quyết 21 đề ra, gần 5 năm qua, mặc dù phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, hệ thống các giải pháp vẫn được triển khai một cách đồng bộ thể hiện rõ bước chuyển trọng tâm của công tác dân số, từ KHHGĐ sang dân số và phát triển.

Trước hết, Đảng, chính quyền các cấp đã ban hành các văn bản cụ thể hóa Nghị quyết 21 cho từng lĩnh vực và thích hợp với từng địa phương. Ngay sau Nghị quyết 21, Chính phủ đã có Nghị quyết 137/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 21. Trên cơ sở đó, Thủ tướng đã phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 và nhiều đề án, kế hoạch, chương trình nhằm triển khai từng hoạt động của công tác dân số, như: Truyền thông, cung cấp dịch vụ, nghiên cứu, đào tạo cán bộ,… Tại các địa phương, thành ủy, tỉnh ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân đã ban hành các nghị quyết, chương trình, quyết định thực hiện công tác dân số phù hợp với đặc điểm tình hình dân số, kinh tế, xã hội địa phương.

IV. Lợi ích của kế hoạch hóa gia đình .

Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) là sự cố gắng có ý thức của các cặp vợ chồng nhằm điều chỉnh số con mong muốn và khoảng cách giữa các lần sinh. KHHGĐ không chỉ là sử dụng các biện pháp để tránh thai, ngoài ý muốn mà còn là những cố gắng của các cặp vợ chồng hiếm muộn để có thai và sinh con.

Khi thực hiện KHHGĐ có những lợi ích trực tiếp đối với sức khỏe bà mẹ và trẻ em như: Tránh được những hao tổn về sức khỏe của bà mẹ do phải thường xuyên mang thai, đẻ nhiều, đẻ dày. Sau sinh trong thời gian nuôi con nhỏ chưa có điều kiện chăm sóc bản thân, để phục hồi lại sức khoẻ lại tiếp tục mang thai. Do vậy đối với Phụ nữ sinh đẽ nhiều lần, dễ bị băng huyết sau sinh, nhiểm trùng sau sinh.Từ đó mẹ thiếu sữa dẫn đến em bé bị suy dinh dưỡng, bệnh hoạn, trí tuệ kém phát triển ảnh hưởng đến học tập.

Khi thực hiện KHHGĐ, người mẹ có điều kiện chăm sóc con, từ đó Trẻ em ít bị ốm đau và được chăm sóc tốt hơn.

Người phụ nữ nên sinh con đầu lòng muộn hơn sau  22 tuổi, lúc đó người phụ nữ đó trưởng thành về cơ thể và về mặt xã hội, đứa con sinh ra sẽ khỏe mạnh thông minh và được chăm sóc tốt. Tuổi sinh đẻ của phụ nữ tốt nhất là từ 22 đến 35 tuổi. Khoảng cách giữa hai lần sinh càng thưa, ít nhất sau 3 – 5 năm, giúp cho bà mẹ và trẻ em khỏe mạnh và người mẹ được phục hồi sau khi sinh, đứa con cũng  được chăm sóc tốt hơn. Đẻ ít và đẻ thưa làm cho thể chất và tinh thần của người mẹ được cải thiện, và ít phải lo lắng. Cả mẹ và con đều có cơ hội sống tốt hơn.

Từ đó giảm được tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng và làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong trẻ sơ sinh và trẻ em.

Chúng ta nên thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, mỗi gia đình chỉ nên có từ 1-2 con để nuôi dạy con tốt; đồng thời Khám phụ khoa định kỳ, phát hiện sớm và điều trị kịp thời viêm nhiễm và những bất thường ở đường sinh sản có thể xảy ra.

- Khám thai định kỳ, thực hiện tốt sàng lọc sơ sinh.

- Kế hoạch hóa gia đình là trách nhiệm của mỗi cặp vơ chồng – hãy chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp để tránh mang thai ngoài ý muốn

- Dừng lại ở hai con để nuôi, dạy cho tốt. Sinh con ít, góp phần tăng kinh tế gia đình: Ngăn ngừa được sự nghèo túng. Giúp cho các gia đình, có điều kiện sắm thêm đầy đủ tiện nghi cho cuộc sống. Gia đình có cơ hội được hưởng sự giáo dục tốt, chăm sóc y tế và vui chơi giải trí nhiều hơn. Cha mẹ có thể tiết kiệm tiền cho tuổi già.

- Nam giới cũng có trách nhiệm như phụ nữ trong việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình và  nuôi dạy con cái.

- Thực hiện kế hoạch hóa gia đình để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống

- Tăng cường chăm sóc sức khỏe sinh sản và chất lượng cuộc sống và hạnh phúc gia đình.

- Thực hiện gia đình ít con, khỏe mạnh để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

– Khỏe mẹ, khỏe con, gia đình hạnh phúc.

- Vì hạnh phúc tương lai của chính mình, hãy bảo vệ sức khỏe sinh sản.

T/h: Quang Hải
Mạng xã hội

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 1418096