Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Thị trấn Hùng Sơn

Thế hệ mang sứ mệnh “vừa giữ lửa, vừa thắp sáng”

2025-04-03 23:08:00.0

Trong dòng chảy không ngừng của lịch sử dân tộc, mỗi thế hệ thanh niên Việt Nam đều gắn liền với một sứ mệnh. Nếu cha ông chúng ta từng xông pha trên chiến trường để bảo vệ đất nước, thì thanh niên hôm nay cũng đang đảm đương một nhiệm vụ không kém phần quan trọng – đó là giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại diễn đàn “Đối thoại với thanh niên năm 2025”, chiều 24/3 tại Hà Nội. Ảnh: THẾ ĐẠI

Khi văn hóa trở thành “tài sản sống” trong tâm hồn người trẻ

Giữa bối cảnh công nghệ phát triển chóng mặt, trào lưu quốc tế len lỏi vào từng ngóc ngách đời sống, thì việc gìn giữ hồn cốt văn hóa lại càng trở nên cấp thiết. Và trong cuộc hành trình này, thế hệ trẻ chính là người mang sứ mệnh “vừa giữ lửa, vừa thắp sáng”.

Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến một làn sóng mạnh mẽ từ giới trẻ trong việc quay trở về với văn hóa dân tộc (gần nhất là những thí dụ của ca sĩ Hòa Minzy với Bắc Bling) – không phải bằng cách sao chép nguyên trạng quá khứ, mà là làm mới, sáng tạo, kết nối văn hóa truyền thống với hơi thở đương đại. Rất nhiều bạn trẻ đã chọn khởi nghiệp từ chính những giá trị truyền thống. Họ không chỉ là người tiêu dùng văn hóa mà đã trở thành những người kiến tạo văn hóa. Từ những sản phẩm thời trang gắn với họa tiết thổ cẩm, từ các dự án phục dựng nghi lễ, lễ hội làng, đến việc phát triển game, phim hoạt hình, ứng dụng du lịch gắn với di sản văn hóa – tất cả đều cho thấy năng lực sáng tạo và tình yêu sâu sắc của thanh niên đối với cội nguồn dân tộc.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng đáng tự hào ấy, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, vai trò của thanh niên trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc hiện vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Nhiều bạn trẻ hiện nay còn thiếu nền tảng kiến thức văn hóa truyền thống. Trong hệ thống giáo dục phổ thông, nội dung về văn hóa dân tộc vẫn chưa được lồng ghép một cách sinh động và hấp dẫn. Nhiều thanh niên chưa có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với các không gian văn hóa gốc như làng nghề, lễ hội, đình đền, các nghệ nhân dân gian... dẫn đến khoảng cách lớn giữa “hiểu biết” và “thấu cảm”.

Thêm vào đó, sự du nhập mạnh mẽ của các trào lưu văn hóa ngoại lai đang khiến cho không ít bạn trẻ lệch chuẩn trong thẩm mỹ và hành vi. Một bộ phận thanh niên ngưỡng mộ văn hóa ngoại quốc đến mức bài xích những gì thuộc về truyền thống – cho rằng văn hóa dân tộc là “lỗi thời”, là “nhàm chán”, là “khó cảm”. Đây không chỉ là sự thiếu hụt tri thức, mà là sự hụt hơi trong giáo dục văn hóa, trong việc truyền cảm hứng về di sản.

Thực tế cũng cho thấy, nhiều bạn trẻ có ý tưởng sáng tạo từ văn hóa dân tộc nhưng lại gặp phải rào cản về cơ chế, tài chính, môi trường hỗ trợ. Thiếu các quỹ đầu tư cho khởi nghiệp văn hóa, thiếu sân chơi sáng tạo chuyên nghiệp, thiếu hỗ trợ pháp lý và đào tạo kỹ năng – tất cả khiến cho nhiều dự án tiềm năng phải dừng bước giữa chừng. Nhiều thanh niên tâm huyết đã chọn cách làm văn hóa như “nghề tay trái”, vì không thể sống được bằng đam mê văn hóa.

Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết gần đây đã nhấn mạnh vai trò sống còn của thế hệ trẻ trong tương lai dân tộc: “Xây dựng và nuôi dưỡng một thế hệ thanh niên mạnh mẽ, trí tuệ và văn minh chính là nền tảng vững chắc để Việt Nam không ngừng vươn lên, trở thành quốc gia phát triển.”[1] Muốn thế hệ ấy mạnh mẽ, trí tuệ, văn minh, thì văn hóa chính là chất keo gắn kết, là nền tảng để họ không đánh mất mình trong thời đại “trăm luồng sóng dữ”. Do đó, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên tham gia sâu hơn, sáng tạo hơn và hiệu quả hơn trong bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc là nhiệm vụ không thể chậm trễ.

Đề xuất cơ chế, chính sách và giải pháp cụ thể

Từ thực trạng đã nêu và những yêu cầu cấp bách của thời đại, việc đề xuất các cơ chế, chính sách và giải pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thế hệ trẻ tham gia bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc là điều không thể chậm trễ. Những giải pháp này không chỉ nhằm khơi dậy lòng tự hào dân tộc, mà còn phải biến tình yêu văn hóa thành hành động, sáng tạo và cống hiến thực chất của thanh niên - để từ đó, văn hóa dân tộc không chỉ được gìn giữ, mà còn được lan tỏa và tái sinh trong từng bước đi của đất nước trên con đường phát triển bền vững.

Từ nhận thức ấy, chúng tôi xin đề xuất một số kiến nghị trọng tâm như sau:

- Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách chuyên biệt hỗ trợ thanh niên trong lĩnh vực văn hóa - bao gồm: tài chính, đào tạo, pháp lý, không gian sáng tạo, truyền thông và thị trường.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa nội dung giáo dục văn hóa dân tộc vào chương trình chính khóa một cách linh hoạt, hấp dẫn, thực tế - kết hợp trải nghiệm thực địa, giao lưu nghệ nhân, sáng tạo sản phẩm văn hóa.

- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Đoàn Thanh niên tổ chức các giải thưởng thường niên vinh danh thanh niên tiêu biểu trong bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc; triển khai các trại sáng tác, diễn đàn văn hóa thanh niên, giao lưu quốc tế.

- Các địa phương cần tích cực xây dựng các không gian văn hóa sáng tạo dành cho thanh niên - đặc biệt tại các thành phố lớn, các vùng có di sản phong phú, để tạo điều kiện thực hành văn hóa một cách sống động, không hình thức.

- Báo chí, truyền thông, mạng xã hội cần đồng hành bằng cách lan tỏa gương người trẻ dấn thân gìn giữ văn hóa, truyền cảm hứng, tạo hiệu ứng xã hội tích cực về một thế hệ thanh niên “có cội - có chí - có chất Việt Nam”.

Khi thanh niên được tạo điều kiện, khi chính sách đi trước một bước, và khi cả xã hội cùng đặt niềm tin vào thế hệ trẻ - thì bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc không còn là việc của quá khứ, mà là một phần của tương lai.

Chúng ta cần xây dựng những cơ chế thật sự trao quyền, truyền cảm hứng và tạo môi trường để thanh niên dấn thân vào văn hóa như một con đường lập thân, lập nghiệp, cống hiến. Bởi chỉ khi văn hóa trở thành “tài sản sống” trong tâm hồn người trẻ, thì mọi thách thức mới thật sự được hóa giải từ bên trong.


nhandan.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 1424442