Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Thị trấn Hùng Sơn

Chủ động xử lý chất thải chăn nuôi

2025-05-08 18:05:00.0

Chiếm 47% giá trị sản xuất nội ngành Nông nghiệp của tỉnh, chăn nuôi đang mang lại nguồn thu lớn, giải quyết việc làm cho nhiều hộ dân. Là một trong những ngành trọng điểm mang lại nhiều lợi ích kinh tế nhưng không thể phủ nhận chăn nuôi cũng phát sinh nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, với sự năng động, tích cực, nhiều trang trại, hộ dân trong tỉnh đã triển khai các giải pháp xử lý nước thải, chất thải trong chăn nuôi.

Hiện nay, nhiều trang trại, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh trộn men vi sinh với thức ăn cho gia súc, gia cầm, thực hiện hiệu quả việc xử lý chất thải chăn nuôi.

Đến trang trại chăn nuôi gà lông trắng của gia đình bà Nông Thị Sao (ở tổ dân phố Cọ 1, thị trấn Giang Tiên, Phú Lương), điều khiến chúng tôi bất ngờ là không gian thoáng mát, sạch sẽ và không hề có mùi chất thải chăn nuôi.

Có 22 năm kinh nghiệm chăn nuôi trang trại, đã thử nghiệm nhiều giải pháp xử lý nước thải, chất thải từ chăn nuôi, bà Sao rất tâm đắc khi cách đây vài năm đã tìm được loại men vi sinh cho gà ăn.

Bà Sao cho biết: Mỗi năm, trang trại của gia đình tôi nuôi 4 vạn con gà. Nếu không được xử lý, chất thải từ đàn gà có thể gây ô nhiễm môi trường rất nặng nề, nhất là vào mùa nồm ẩm hoặc những hôm trời mưa to. Qua tìm hiểu, tôi đã quyết định sử dụng men vi sinh cho gà ăn. Được trộn lẫn với thức ăn của gà, loại men vi sinh không chỉ cải thiện hệ tiêu hóa, đào thải chất độc, tăng cường sức đề kháng, giúp gà nhanh lớn mà còn giảm mùi hôi chuồng nuôi, góp phần bảo vệ môi trường xung quanh...

Để xử lý hiệu quả nước thải, chất thải từ chăn nuôi, trang trại của Công ty CP Chăn nuôi công nghệ cao ở xóm Cao Phong (xã Hợp Tiến, Đồng Hỷ) lựa chọn xây dựng hầm biogas. Ông Nguyễn Đức Hiếu, Giám đốc điều hành trang trại, cho biết: Chúng tôi đang hợp tác với Công ty Sunjin Việt Nam chăn nuôi lợn với quy mô 2.400 con lợn nái và 15.000 con lợn thịt/năm. Với thể tích lớn (15.000m3), hầm biogas giúp trang trại xử lý hiệu quả chất thải, tạo nguồn khí đốt phục vụ sản xuất. Bể sục hiếu khí giúp nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi tái sử dụng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường...

Hiện hầu hết trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đều chủ động xử lý nước thải, chất thải trong chăn nuôi. Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Môi trường, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 1.255 trang trại chăn nuôi (gồm 64 trang trại quy mô lớn, 726 trang trại quy mô vừa, 465 trang trại quy mô nhỏ) và trên 117.790 hộ chăn nuôi. Trong đó có 183 trang trại, cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; 42 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận an toàn dịch bệnh.

Nhằm nâng cao trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, nhiều trang trại, cơ sở chăn nuôi đã ứng dụng công nghệ cao trong xử lý nước thải, chất thải bằng cách sử dụng hệ thống hầm biogas hoặc đệm lót sinh học, men vi sinh.

Từ chia sẻ của các chủ trang trại, cơ sở chăn nuôi cho thấy, việc sử dụng hệ thống xử lý chất thải bằng hầm biogas hoặc đệm lót sinh học, men vi sinh giúp người chăn nuôi kiểm soát tốt môi trường chăn nuôi, sức khỏe đàn gia súc, gia cầm.

Bên cạnh đó, chất thải chăn nuôi sau khi được xử lý qua hệ thống hầm biogas và đệm lót sinh học cũng mang lại giá trị cho người chăn nuôi, có thể sử dụng làm nhiên liệu, phát điện hay bán làm phân bón...

Đặc biệt, có một số trang trại chăn nuôi sử dụng máy ép phân để xử lý chất thải chăn nuôi. Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, cho rằng: Sử dụng loại máy này là giải pháp tối ưu để giải quyết vấn đề nan giải trong xử lý chất thải chăn nuôi. Nhờ quá trình ép tách nước để biến chất thải chăn nuôi thành dạng lỏng và rắn (bã) giúp người dân dễ dàng tận dụng, tái chế, xử lý…

Thực tế cho thấy, bảo vệ môi trường trong chăn nuôi là công tác rất quan trọng, không chỉ liên quan đến lợi ích của môi trường sống mà còn vì sự phát triển bền vững, an toàn cho ngành chăn nuôi ở thời điểm hiện tại và tương lai. Đây cũng là trách nhiệm xã hội cần được chú trọng thực hiện.

Do đó, việc các trang trại, cơ sở chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp xử lý nước thải, chất thải chăn nuôi là một tín hiệu rất tích cực, thể hiện hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh.


baothainguyen.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 1425599