Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo ở Thái Nguyên

2024-04-23 10:31:00.0

Gia đình bà Nguyễn Thị Vịnh (hộ cận nghèo), xóm Hạ Vụ 1, xã Vạn Phái, TP. Phổ Yên được hỗ trợ bò giống trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững


Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ người nghèo được tỉnh Thái Nguyên thực hiện kịp thời, đúng đối tượng. Tỉnh đã lựa chọn các mô hình giảm nghèo đem lại giá trị kinh tế cao để nhân rộng trên địa bàn, giúp các hộ thoát nghèo và tăng thu nhập. Với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững của tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Theo đó, trong năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 1,33% (vượt 0,33%), trong đó hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm 2%. Để đạt được kết quả này, có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, xã hội và sự đồng thuận, nỗ lực của người dân.
Hiện nay toàn tỉnh có 10.190 hộ nghèo và 9.516 hộ cận nghèo. Để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tỉnh xác định biện pháp cốt lõi, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo là triển khai thực hiện tốt các mô hình giảm nghèo. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu trong năm 2024, giảm 3.486 hộ nghèo, hộ cận nghèo (trong đó 2.710 hộ nghèo và 776 hộ cận nghèo) theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia; hỗ trợ xây dựng, nhân rộng ít nhất ít nhất 20 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động có việc làm bền vững; 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản và nâng cao về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo; lập kế hoạch có sự tham gia, xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng và nghiệp vụ giảm nghèo. Chương trình giảm nghèo luôn bám sát thực tiễn, kịp thời hỗ trợ nhanh nhất cho người dân về vốn vay, vật tư sản xuất và khoa học kỹ thuật. Tỉnh Thái Nguyên đã triển khai thực hiện đa dạng về ngành nghề, nhiều hình thức theo hộ hoặc tập thể và sử dụng từ nhiều nguồn vốn hỗ trợ. Với hình thức đầu tư trực tiếp, mô hình đã trở thành “đòn bẩy” giúp các hộ nghèo có phương tiện sản xuất, mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững, tiến tới thoát nghèo bền vững.

Mô hình nuôi dê của hộ gia đình ông Âu Văn Toán, xã Yên Đổ, huyện Phú Lương góp phần thiết thực tạo sinh kế

Thông tin từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phú Lương: Theo kết quả rà soát cuối năm 2023, số hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 736 hộ, chiếm 2,86%, giảm 317 hộ so với đầu năm (vượt 0,36% kế hoạch tỉnh giao, vượt 0,65% kế hoạch huyện đề ra); toàn huyện giảm 209 hộ cận nghèo, hiện còn 790 hộ, bằng 2,88%. Năm 2024, huyện tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Đơn cử như Dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo bền vững, trong năm 2023, huyện Phú Lương đã triển khai 3 mô hình giảm nghèo, với tổng kinh phí từ ngân sách là trên 3 tỷ đồng để hỗ trợ 74 hộ. Các mô hình chăn nuôi trâu, bò, dê ở 5 xã (Yên Đổ, Động Đạt, Yên Trạch, Phủ Lý, Ôn Lương) đã phát huy hiệu quả, giúp các hộ có cơ sở thoát nghèo bền vững. Cùng với việc triển khai các mô hình phát triển kinh tế cho người dân, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo có việc làm ổn định, thu nhập bền vững, thời gian qua, huyện Phú Lương đã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, ưu tiên các lao động ở nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo, cận nghèo. 

Đối với TP. Phổ Yên, năm 2023 tổng kinh phí thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện là trên 5,7 tỷ đồng, trong đó kinh phí năm 2023 là trên 4,6 tỷ đồng và kinh phí năm 2022 chuyển sang năm 2023 là trên 1 tỷ đồng. Năm 2024, Phổ Yên phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố 0,3% trở lên so với năm 2023; phấn đấu 100% hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công với cách mạng được hỗ trợ nâng cao mức sống và cơ bản thoát nghèo; hỗ trợ xây dựng, nhân rộng ít nhất 7 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Trên cơ sở rà soát điều kiện phát triển kinh tế, tập quán canh tác, tỷ lệ hộ nghèo, năm 2024, UBND TP. Phổ Yên sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách tín dụng ưu đãi, dạy nghề, hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, tiền điện, trợ giúp pháp lý… nhằm giúp hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tỉnh Thái Nguyên xác định, công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Do đó, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, liên kết phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cộng đồng với hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan và các nội dung khác theo quy định của pháp luật; phát triển mô hình giảm nghèo gắn với quốc phòng, an ninh; tổ chức các hoạt động đa dạng hóa sinh kế khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng; phù hợp với mục tiêu của kế hoạch và quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên cũng tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Dự án hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản. Đẩy mạnh phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập. Phát triển giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng đào tạo, hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người cận nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống...

Thu Huyền
thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 1407273